Đến với buổi giới thiệu sách tháng 1-2
Đến với buổi giới thiệu sách tháng 1-2
18/03/2020
Đến với buổi giới thiệu sách tháng 1-2
Vậy là chỉ còn hơn mười ngày nữa là đến Tết Nguyên đán rồi! Các bạn nhỏ chắc ai cũng thích Tết vì chúng ta có quần áo mới, được sum vầy bên gia đình cùng làm bánh chưng, bánh dày, được đi chơi, được mừng tuổi và nhận được biết bao lời chúc tốt đẹp nữa! Để các bạn nhỏ biết thêm ý nghĩa về những ngày lễ, tết truyền thống của dân tộc, về nguồn gốc của bánh chưng, bánh dày, của hoa đào, hoa mai, của tục trưng cây nêu ngày Tết, cô giáo Phạm Thị Thanh Tâm, Thư viện trường Tiểu học Lý Thái Tổ đã giới thiệu tới các bạn nhỏ 4 cuốn truyện: Sự tích cây nêu ngày Tết, Sự tích ông Công, ông Táo, Sự tích hoa đào, hoa mai, Sự tích bánh chưng, bánh dày.
Cô giáo Phạm Thị Thanh Tâm trong buổi giới thiệu sách tháng 1-2
Đây là se-ri các cuốn tranh truyện dân gian Việt Nam do NXB Kim Đồng xuất bản. Chúng ta có thể thấy hấp dẫn ngay từ hình thức các cuốn truyện, với thiết kế cách điệu tạo sự mềm mại, bắt mắt. Màu sắc, hình ảnh trang bìa và các trang nội dung được vẽ rất sắc nét, hài hòa. Khổ sách lớn 13,5x21cm với những hình ảnh và chữ in to phù hợp với lứa tuổi của học sinh cấp Tiểu học.
Các cuốn sách giới thiệu về phong tục truyền thống ngày Tết của dân tộc Việt Nam
Đến với cuốn sách “Sự tích ông Công, ông Táo”, các bạn nhỏ sẽ biết được rằng: Táo quân là những vị thần cai quản việc nhà cửa và bếp núc từng gia đình dưới trần gian. Và hằng năm, vào ngày 23 tháng chạp, các Táo phải lên trời chầu Ngọc Hoàng để báo cáo về công việc một năm qua dưới hạ giới. Dân gian kể rằng, xưa kia ba vị Táo quân vốn là vợ chồng… Hãy cùng mở sách này để đọc câu chuyện về ba vợ chồng Táo quân nhé!
Các bạn nhỏ chăm chú lắng nghe
Hào hứng với những câu chuyện cổ tích
Còn đọc cuốn sách “Sự tích bánh chưng, bánh dày”, chúng ta sẽ biết vì sao trong dịp tết cổ truyền Việt Nam, trên mâm cúng gia tiên của bất kỳ gia đình nào cũng không thể thiếu một thứ bánh đậm đà dân tộc là món bánh chưng xanh. Vì sao có bánh chưng, bánh dày? Vì sao bánh chưng, bánh dày lại được đặt trân trọng trên bàn thờ trong ngày Tết như vậy?
Như chúng ta đã biết, từ lâu, hoa đào, hoa mai đã trở thành loài cây quen thuộc trong mỗi ngày Tết. Nhưng có lẽ ít ai hiểu rằng vì sao cây đào, hoa mai lại trở thành loài cây được nhắc đến nhiều nhất trong mùa xuân, trong những ngày Tết cổ truyền.
Để giúp các em hiểu được điều đó, mời các em hãy đọc cuốn truyện tranh “ Sự tích hoa đào, hoa mai” của tác giả Minh Hiếu do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản.
Còn bạn muốn biết về Sự tích cây nêu ngày Tết? Và vì sao cứ mỗi khi tới Tết Nguyên đán, loài người lại có tục lệ trồng một cây nêu trước nhà, trên cây nêu có cài mảnh khất. Bởi loài người tin rằng, cứ mỗi khi gió rung, cây nêu lại phát ra tiếng động để nhắc bọn quỷ nghe mà tránh xa, không gây phiền nhiễu khi đầu xuân năm mới đến!
Sách đã có tại thư viện nhà trường, hy vọng những cuốn sách này sẽ mang lại cho chúng ta những kiến thức bổ ích và thiết thực về phong tục truyền thống của dân tộc ta. Còn hữu ích hơn nữa khi chúng ta đang sống trong không khí của những ngày Tết sắp đến, với hoa đào, hoa mai, bánh chưng, bánh dày và những lời chúc may mắn, sung túc đến mỗi nhà!
Mời các bạn nhỏ đến Thư viện nhà trường để đọc những cuốn sách hay và bổ ích này nhé!